SỰ KHÁC NHAU GIỮA TUXEDO VÀ SUIT
Đã là một người đàn ông, là phái mạnh thì không thể thiếu một bộ tuxedo và suit để thể hiện sự lịch lãm, sang trọng và đẳng cấp của mình thông qua những sự kiện đặc biệt, quan trọng, hay đơn giản là tại nơi công sở. Cả hai tuxedo và suit đều có tầm quan trọng riêng của nó. Cái nào tốt hơn cái nào thì còn tùy thuộc vào địa điểm và sự kiện đó như thế nào.
Cả hai trang phục đều là những mẫu Âu phục sang trọng cho đàn ông, nhìn sơ qua thì có vẻ trông giống nhau nhưng thật sự lại khác nhau hoàn toàn. Hầu hết mọi người đều không thể nhận ra điểm khác biệt chính và vai trò khác nhau của mỗi loại trong những dịp khác nhau. Sau đây Anh Rùa sẽ phân tích rõ tất cả sự khác nhau về chức năng, phong cách và vai trò của mỗi loại. Nếu có gì sơ sót mọi người chia sẻ góp ý cho Anh Rùa tại phần bình luận (comment) bên dưới nhé!
I. GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC.
1. Suit.
Suit được so sánh là thông dụng và phổ biến hơn Tuxedo. Suit là sự lựa chọn hoàn hảo trong những dịp có mức độ trịnh trọng vừa phải, đó là lý do tại sao hầu hết đàn ông đều mang suit đến nơi công sở như một trang phục đơn giản đi làm hằng ngày.
Có rất nhiều style về suit, mọi người có thể chọn bất kỳ style nào miễn sao cân đối với cơ thể vóc dáng và phong cách của mình. Có hai style chủ yếu cho suit là: Double breasted và single breasted.
(Bên trái là double, và bên phải là single)
1a. Double breasted (hai hàng khuy).
Được cho là style sang trọng và nghiên về phong cách cổ điển vintage. Double breasted có kiểu bốn khuy, sáu khuy và tám khuy, với nguyên tắc khuy cuối nằm dưới có thể cài hoặc không cài.
(Denim double breasted suit)
1b. Single breasted (một hàng khuy).
Được cho là style có phong cách cởi mở, thời đại và thông dụng phổ biến hơn double breasted. Single breasted có kiểu một khuy, hai khuy và ba khuy với nguyên tắc cài như sau:
Nếu là một khuy: Luôn luôn cài.
Nếu là hai khuy: Luôn cài khuy trên và khuy dưới không bao giờ cài.
Nếu là ba khuy: Luôn cài khuy giữa, khuy dưới không bao giờ cài và khuy trên cùng có thể cài hoặc không.
(Single breasted suit)
2. Tuxedo.
Trái ngược với suit, tuxedo không được sử dụng phổ biến thông dụng bởi tính trịnh trọng của nó. Thậm chí mỗi người chỉ có một vài cơ hội trong nhiều năm để mặc tuxedo. Tuxedo có xu hướng được sử dụng trong các sự kiện trịnh trọng như các buổi tiệc có chủ đề, concept, lễ prom trường trung học, các sự kiện trong cruise (được tổ chức trên thuyền, tàu lớn) và lễ cưới.
Không giống như suit, tuxedo không có quá nhiều style, và ngày nay rất hiếm thấy double breasted ở tuxedo. Ngươc lại ở single breasted của tuxedo lại có thêm nhiều sự lựa chọn phong cách cho phần ve áo.
Và sau đây chúng ta hãy bắt đầu và truy ra sự khác biệt lớn giữa tuxedo và suit nhé!
II. MÀU SẮC / HỌA TIẾT, CHẤT LIỆU.
1. Suit.
Màu sắc của một bộ suit có lẽ là một trong những yếu tố thu hút cái nhìn đầu tiên với người khác, vì vậy chọn màu sắc đúng cách rất quan trọng.
Màu sắc thường phụ thuộc vào địa điểm hoặc các dịp mà ta sẽ mặc suit. Màu đen là màu trịnh trọng nhất, bí hiểm nhất, quyền lực nhất nên vì thế phần lớn nó được coi như màu dành cho mafia, thế giới ngầm hoặc tang lễ (phổ biến trong văn hóa phương tây). Thay vào đó sẽ là màu nâu, navy, hoặc xám (với các tone sáng, vừa và đậm) sẽ thích hợp hơn cho những dịp phỏng vấn xin việc, hoặc đi làm hằng ngày.
(Black suit với spectators)
Họa tiết của suit có nhiều lựa chọn hơn tuxedo. Bao gồm:
1a. Stripe.
Cũng có rất nhiều những hoạ tiết khác để tạo nên đường sọc (shadow stripes, pencil stripes, faint stripes, self stripes...) nhưng chúng không được sử dụng phổ biến trong những bộ trang phục hướng tới sự sang trọng, chỉnh chu. Mà trong số đó, 2 loại phổ biến nhất cho gentleman là chalkstripe và pinstripe. Mọi người có thể tìm hiểu kỹ hơn về stripe tại PHỐI GIÀY TÂY NAM VỚI TRANG PHỤC CÓ HỌA TIẾT STRIPE (SỌC DỌC) nhé.
(Dark brown stripe suit)
1b. Check, kẻ ô.
Nhìn thoáng qua thì ta sẽ thấy giống nhau, nhưng nhìn kỹ thì chúng có những khác biệt tinh tế với những cái tên cũng khác nhau. Gồm có:
* Glen plaid.
Những đường kẻ ô đan xen vào nhau bởi nhiều họa tiết to và nhỏ, tạo thành những ô vuông theo tỉ lệ đều nhau. Glen plaid original rất dễ nhận ra vì thường có màu đen, trắng và xám. Mọi người có thể tìm hiểu sâu hơn về Glen plaid tại PHỐI GIÀY TÂY NAM VỚI TRANG PHỤC CÓ HỌA TIẾT GLEN PLAID nhé.
(Blue glen plaid suit)
* The Prince of Wales.
Trở về đầu thế kỷ 19, glen plaid (glen check) được phát triển lần đầu tiên bởi Nữ bá tước Seafield ở thung lũng Glenurquhart ở Invernesshire, Scotland với cái tên vải tweed đặc trưng của vùng Seafield.
Chính tại đây, Hoàng tử xứ Wales, người thường xuyên đi săn bắn tại vùng đó, đã phát hiện họa tiết độc đáo glen plaid và lấy cảm hứng từ đó để tạo ra biến thể của riêng mình. Họa tiết đó chính là the Prince of Wales - được đặt tên của ông. Lấy từ nền glen plaid, nhưng có những ô kẻ windowpane màu khác xen giữa những họa tiết glen plaid.
Sau đó, the Prince of Wales được phổ biến rộng rãi hơn bởi người cháu trai sành điệu của ông, Công tước xứ Windsor (trước đây gọi là Edward VIII).
* Windowpane.
Như mọi người đã biết họa tiết windowpane thông thường là những đường kẻ nhỏ tạo nên những ô vuông (hoặc chữ nhật) to trải dài khắp trang phục. Có thể gọi windowpane là một trong những họa tiết hoàn hảo vừa mang đậm phong cách cổ điển, lại vừa tạo nên xu hướng trào lưu thời trang. Bên cạnh đó còn giúp cho những người gầy trở nên đầy đặn và tạo dáng vẻ gọn gàng cho những người to con. (Có vẻ nghịch lý nhưng Anh Rùa sẽ giải thích kỹ hơn tại bài viết PHỐI GIÀY TÂY NAM VỚI TRANG PHỤC CÓ HỌA TIẾT WINDOWPANE).
1c. Herringbone (xương cá).
Như ta cũng có thể thấy được, họa tiết herringbone có sự tương đồng về mặt hình ảnh với cấu trúc xương của một con cá trích. Tuy nhiên họa tiết herringbone có nguồn gốc từ Đế chế La Mã, lấy cảm hứng từ những đường nét lát đá trên đường trong những tòa nhà. Họa tiết herringbone cũng được truy trở lại đồ trang sức Ai Cập cổ đại được sử dụng bởi giới thượng lưu. Tuy nhiên, họa tiết herringbone được ứng dụng vào những tấm vải đầu tiên để may mặc thiì lại được tìm thấy ở nước Ý cổ đại.
Mặc dù có nguồn gốc rất cổ xưa, nhưng herringbone vẫn là một phần quan trọng của trang phục nam cổ điển ngày nay và vẫn là một trong những loại vải phổ biến nhất để may đo lên những bộ suit.
Herringbone sẽ có nhiều biến thể hình dạng, nhưng chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra nó.
Ngoài ra còn có nhiều họa tiết khác nhưng không phổ biến cho suit nên Anh Rùa không kể ra.
2. Tuxedo.
Khi nói đến tuxedo có khá nhiều sự lựa chọn về màu sắc và không có sự lựa chọn về họa tiết. Màu đen vẫn luôn là sự lựa chọn cổ điển và truyền thống nhất cho tuxedo kể từ lúc những năm đầu 1960 tuxedo ra đời cho đến nay.
Tuy nhiên những năm gần đây màu midnight blue lại được nhiều người nổi tiếng mặc trong nhiều bộ phim và tại các buổi tiệc thảm đỏ.
Màu trắng tinh cũng là một sự lựa chọn rất tốt cho tuxedo. Màu trắng có thể được mặc trong thời tiết ấm áp để thể hiện sự quyến rũ, tinh tế và điềm tĩnh.
III. VE ÁO.
Có ba kiểu ve áo là notch lapel, peak lapel và shawl lapel.
1. Suit.
Chất liệu làm ve áo cho suit cũng chính là chất liệu làm cho toàn bộ cả bộ suit. Do đó màu sắc của ve áo cũng phụ thuộc vào màu sắc của toàn bộ suit.
Notch lapel được dùng nhiều nhất cho suit, peak lapel cũng là một sự lựa chọn tốt nhưng lại không thông dụng như notch lapel. Nhưng ngày nay càng nhiều anh em theo phong cách classic nên cũng ứng dụng peak lapel rất nhiều cho double breasted. Shawl lapel chỉ dành riêng cho tuxedo.
2. Tuxedo.
Điều quan trọng nhất làm cho tuxedo khác với suit là chất liệu vải bóng satin. Tuxedo có nhiều phần được trang trí bằng satin nhưng điểm chính là ở ve áo.
Ve áo của tuxedo hầu hết được may thêm lớp satin màu đen, là màu truyền thống và sang trọng nhất, nhưng đôi khi những nhà thiết kế cũng dùng màu trắng như một sự lựa chọn thay thế không tồi.
IV. NÚT VÀ TÚI.
1. Nút.
Nút của suit hầu như được làm bằng nhựa hoặc thi thoảng được bọc vải giống chất liệu vải được may cho Suit. Trái ngược lại, nút của tuxedo luôn được bọc bằng satin, nhưng chất liệu của satin được bọc cho nút phải giống như chất liệu được làm cho phần ve áo.
Single breasted của Suit có thể một, hai, ba hoặc thậm chí bốn khuy nhưng với tuxedo chỉ nên có một khuy duy nhất cho dù thi thoảng cũng được thiết kế hai khuy.
2. Túi.
Kiểu túi của Suit và tuxedo khá giống nhau ngoại trừ túi của tuxedo được trang trí bằng satin.
V. QUẦN TÂY.
Với suit, quần tây luôn luôn được may cùng với chất liệu và màu sắc với áo jacket và quần sử dụng thắt lưng hoặc suspenders. Nhưng với tuxedo thì hầu như không sử dụng thắt lưng, thay vào đó là là dây đeo móc quần:
-Xem thêm bài viết SUSPENDERS LÀ GÌ, SỬ DỤNG RA SAO?
Một đặc điểm bổ sung nữa là với tuxedo, quần tây còn có thêm sự lựa chọn satin đi dọc xuống dưới chân và phải khớp với màu và chất liệu của ve áo.
VI. ÁO SƠ MI (SHIRT).
1. Suit.
Dài tay, thường là trơn. Màu của áo sơ mi thường phối màu phụ thuộc vào màu của suit, tuy nhiên có hai màu căn bản thông dụng nhất là trắng và xanh da trời nhạt.
Về cổ áo, có ba dạng thông dụng là point (cổ nhọn), spread ( cổ vuông 90 độ) và semi-spread:
Ở US, hầu hết các áo may sẵn đều là cổ nhọn, cổ vuông cũng là một sự lựa chọn tốt nhưng không phổ biến nhiều như cổ nhọn.
Và còn những kiểu cổ áo khác cho chúng ta có thêm nhiều sáng tạo trong cách phối đồ. Tìm hiểu thêm tại CỔ ÁO SƠ MI NAM: CHỌN THẾ NÀO CHO ĐÚNG.
Khi nói đến cổ tay áo sơ mi, barrel cuff (người Việt Nam hay gọi là măng sét đúp giả) thường được sử dụng, dễ dàng mặc hơn là French cuff (người Việt Nam hay gọi là măng sét đúp thật).
2. Tuxedo.
Một trong những điểm chính làm áo sơ mi dành cho tuxedo khác biệt là có xếp ly chạy dọc ở phía trước áo:
Còn người Ý thì lại có thêm sự lựa chọn tai bèo:
Nhưng lại có những kiểu trơn đơn giản cho người trầm tính:
Do tuxedo chỉ sử dụng nơ, không sử dụng cà vạt như Suit nên phần trống trước ngực áo sơ mi khá nhiều, do đó áo sơ mi dành cho tuxedo còn được thiết kế thêm cho nẹp áo và nút áo:
(Standard: nẹp ngoài; concealed: kiểu giấu nút; French:kiểu Pháp, đơn giản, không nẹp)
Tuxedo sử dụng cổ áo sơ mi kiểu spread và wing, làm cho áo sơ mi dành cho tuxedo trông cổ điển hơn áo sơ mi truyền thống dành cho suit.
(Cổ áo kiểu wing)
Và cuối cùng, áo sơ mi cho tuxedo chỉ sử dụng French cuff và đi đôi là một phụ kiện rất quan trọng, đó là cufflink từ lâu đã được coi như một món phụ kiện không thể thiếu của người đàn ông thành đạt và am hiểu thời trang, không chỉ có tác dụng của một chiếc khuy cài cổ tay áo mà còn trở thành một món trang sức sành điệu và sang trọng.
VII. NƠ VÀ CÀ VẠT.
Cà vạt thường được mang với suit để có cái nhìn hoàn chỉnh, trang trọng hơn. Chất liệu và họa tiết của cà vạt luôn được thay đổi để phù hợp với suit. Các bạn có thể chọn cà vạt nhiều màu sắc, nhưng một màu trơn căn bản luôn là sự lựa chọn trang trọng.
Khi nói đến họa tiết của cà vạt thì có loại sọc, ô vuông hoặc vỏ sò…Để bắt mắt người xem hơn. Có rất nhiều cách thắt cà vạt như Four-in-Hand knot, Price Albert knot, Half-Windsor knot, and Eldredge Knot…
Nơ là sự lựa chọn ít phổ biến hơn cà vạt nhưng là sự lựa chọn tốt nhất dành cho tuxedo. Nơ truyền thống có màu đen và được làm bằng chất liệu lụa hoặc satin.
Nơ cũng có ba cách thắt là Butterfly, Slim Line và Diamond point. Và có ba phong cách thắt là self tied, pre tied và clip on.
VIII. KHĂN THẮT LƯNG (CUMMERBUND) / ÁO GI LÊ (WAISTCOAT / VEST).
Chỉ có một sự lựa chọn duy nhất để che thắt lưng và trịnh trọng hơn cho suit, đó là áo gi lê. Một bộ suit với áo gi lê cũng được biết đến với cái tên three piece suit - suit ba mảnh (áo sơ mi, áo gi lê và áo jacket bên ngoài).
Trong khi đó ở tuxedo ta có thể che thắt lưng bằng khăn thắt lưng hoặc áo gi lê. Tuy nhiên khăn thắt lưng lại là sự lựa chọn phổ biến hơn cho tuxedo hơn là áo gi lê - phổ biến hơn cho suit. Khăn thắt lưng thường được làm bằng chất liệu giống y như nơ.
Các loại áo gi lê có thể được kết hợp với single hay double breasted, quan trọng là các bạn tạo nên phong cách cho riêng mình.
(Waistcoat với double breasted suit)
IX. GIÀY TÂY.
1. Suit.
Oxfords/Derby hoặc loafers hay thậm chí boots đều có thể phối được với suit. Tùy vào tính chất trang trọng của sự kiện hay sự việc mà chúng ta có thể chọn cho mình một đôi giày phù hợp. Mọi người có thể đọc lại bài viết GIÀY NAM CÔNG SỞ HAY DẠO PHỐ để hiểu rõ hơn.
Hai màu cơ bản nhất là black và brown (dark, medium va light). Ngoài ra mọi người cũng có thể chọn những màu khác như bordeaux, navy hay tan...tùy thuộc vào màu sắc của Suit.
(Blue single breasted suit với Black Captoe Oxfords)
(Denim double breasted suit với Light Brown Penny Loafers)
(Black stripe double breasted suit với Black Penny Loafers)
(Loafers)
(Chukkas)
2. Tuxedo.
Không giống như suit, tuxedo được khuyên là nên có một sự lựa chọn duy nhất: patent shoes (da bóng). Nhưng phải là những đôi giày có dây và màu đen kiểu captoe/plaintoe derby/oxfords để tăng mức độ sang trọng lên hết mức có thể. Hoặc nếu không yêu cầu phải trịnh trọng thì ta có thể mang loafers hoặc patent màu khác để có thêm sự trẻ trung, năng động.
(Chắc mọi người cũng nhận ra anh chàng mặc bộ tuxedo sành điệu này là ai và trong phim nào rồi phải không?)
Có một luật lệ không thay đổi là cho dù giày được sử dụng cho suit hay cho tuxedo đi chăng nữa, thì phải đảm bảo một điều rằng những đôi giày đó phải luôn trong tình trạng lau chùi sạch sẽ, dưỡng da và đánh bóng tốt.
Mọi người có thể tham khảo bài viết nói về cách chăm sóc giày da khá kỹ:
-Đối với da trơn: CÁCH DƯỠNG DA VÀ ĐÁNH GIÀY DA TRƠN CĂN BẢN.
-Đối với da lộn / nubuck: CÁCH PHỤC HỒI VÀ LÀM SẠCH GIÀY DA LỘN (SUEDE), NUBUCK.
-Đối với da bóng: CÁCH NHẬN BIẾT VÀ LÀM SẠCH GIÀY DA BÓNG (PATENT LEATHER).
X. KẾT LUẬN.
Suit như Anh Rùa đã nêu trên là tương đối được mặc phổ biến hơn, đó là lý do tại sao suit thích hợp nhất để mặc đi làm hằng ngày hoặc những buổi họp mặt cần sự sang trọng.
Tuxedo là một dạng đẳng cấp hơn cho những buổi sự kiện siêu cao cấp như các buổi tiệc có chủ đề, concept, lễ prom trường trung học, các sự kiện trong cruise (được tổ chức trên du thuyền) và lễ cưới. Tuxedo sẽ cho khoác lên cho ta một vẻ đẹp độc nhất vô nhị, độc đáo và chói lóa.
Như thường lệ, cám ơn mọi người đã theo dõi bài viết! ;)
...............
Bài viết được viết bởi Anh Rùa store và đã được đăng ký bản quyền tác giả trên DMCA. Chia sẻ bài viết để lan tỏa những điều hay xin vui lòng ghi rõ nguồn mọi người nhé! ;)
..............
Anh Rùa store - SHOES, Leather CARE, Handcraft
anhrua.net
0775. 000. 905 - 0776. 440. 044
Bình luận